Cảm nhận về nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương
Bài làm
Nguyễn Dữ là một trong những tác giả xuất sắc của nền văn học trung đại Việt Nam. Ông học rộng tài cao, nhưng chỉ làm quan một năm rồi lui về ở ẩn vì bất lực trước thời đại suy yếu của phong kiến. Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ là một trong những tác phẩm tiêu biểu cho thể loại truyền kỳ ở Việt Nam, trong đó Chuyện người con gái Nam Xương dựa trên tích truyện dân gian nhưng với tài năng, sự sáng tạo tuyệt vời và lòng yêu con người tha thiết, ông đã khiến độc giả không khỏi xót xa, thương cảm trước số phận, cuộc đời của Vũ Nương – một người phụ nữ đức hạnh nhưng chớ trêu thay lại phải chịu số phận bất hạnh, đáng thương đến nghẹn lòng.
Mở đầu trang truyện, hình ảnh nhân vật Vũ Nương hiện lên qua lời kể của tác giả là một người con gái: “xinh đẹp, thùy mị, nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp”. Những tưởng rằng người con gái ấy sẽ được sống một cuộc sống hạnh phúc. Thế nhưng số phận đưa đẩy, nàng được gả đến làm dâu một gia đình khá giả. Mặc dù con nhà nghèo, lấy chồng giàu, lại có tính đa nghi, nhưng nhờ sự hiền lành nết na lại thông minh, khéo cư xử nên nàng đã san bằng được khoảng cách “môn đăng hộ đối” – một quan điểm nặng nề của lễ giáo phong kiến và giữ được không khí trong gia đình yên ấm, hạnh phúc “chưa từng xảy ra thất hòa”. Có thể nói cuộc đời nàng tuy ngắn ngủi nhưng nàng đã làm tròn bổn phận của một người vợ hiền, một người dâu thảo, người mẹ hết mực thương con.
Trước hết, Vũ Nương là người vợ hết lòng yêu thương và thủy chung son sắc với chồng. Sống dưới thời loạn lạc, vì không có học thức nên Trương Sinh phải ghi vào sổ lính loại đầu. Trong buổi tiễn đưa chồng ra trận, nàng “rót chén rượu đầy” tiễn chồng bằng lời lẽ dịu dàng, tha thiết “chàng đi chuyến này thiếp chả dám mong đeo được ấn phong hầu mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo hai chữ “bình yên” thế là đủ rồi”. Đọc đến đây, người đọc không khỏi xúc động trước khao khát, ước mơ bình dị của Vũ Nương. Đằng sau niềm khao khát ước mơ ấy là cả một tấm lòng yêu thương chân thành, đằm thắm vượt ra ngoài cám dỗ vật chất vinh hoa phú quý tầm thường. Yêu thương chồng, nàng mong mỏi ngày chàng bình yên trở về bởi hơn hết trong lòng nàng, khát khao lớn nhất là được hưởng thú vui “nghi gia nghi thất”, vợ chồng sum họp, con cái đầy đàn, nàng được làm trọn và hưởng hạnh phúc làm mẹ, làm vợ.
Khi Trương Sinh ở ngoài mặt trận, tình cảm Vũ Nương luôn hướng về chàng, không hề một dạ hai lòng. Hình ảnh “bướm lượn đầy vườn, mây che kín núi” là hình ảnh thiên nhiên hữu tình đã gợi lên sự chảy trôi không ngừng nghỉ của thời gian- năm tháng cứ trôi đi khiến cho “nỗi buồn góc bể chân trời không thể nào ngăn được”. Tác giả đã diễn tả thật tinh tế, chân thực nỗi niềm nhớ nhung, mong mỏi kín đáo, âm thầm mà da diết của Vũ Nương. Suốt ba năm Trương Sinh đi vắng, nàng đã “giữ gìn một tiết”, “ngõ liễu tường hoa chưa hề bén góc”, “tô son điểm phấn từng đã nguôi lòng”, luôn một lòng một dạ với chồng. Một loạt những hình ảnh ước lệ được Nguyễn Dữ sử dụng trong lời kể như đã càng khắc họa rõ nét và sâu sắc tấm chân tình, thủy chung của Vũ Nương.
Không chỉ vậy, nàng còn là một người con dâu hiếu thảo. Trong lúc chồng đi vắng, nàng một mình gánh vác mọi công việc lớn nhỏ trong gia đình, thay chồng phụng dưỡng mẹ già, nuôi dạy con thơ mà không một lời oán than. Khi mẹ chồng ốm bệnh rồi qua đời, nàng hết lòng thương xót, lo ma chay chu đáo như mẹ đẻ của mình. Lời của mẹ chồng nàng trước lúc lâm chung: “Sau này trời xét lòng lành ban cho phúc đức, giống dòng tươi tốt con cháu đông đàn xanh kia quyết chẳng phụ con, cũng như con đã chẳng phụ mẹ” đã minh chứng cho tấm lòng nàng- một người con dâu hết mực chân thành, hiếu thảo.
Không những là một người vợ hiền, một nàng dâu thảo, Vũ Nương còn là một người mẹ hết lòng yêu thương, luôn chăm sóc dạy dỗ con. Vào mỗi buổi tối, nàng thường chỉ bóng mình trên vách để bảo là cha Đản. Việc làm ấy của nàng không chỉ là đơn thuần chỉ để trả lời con thơ mà còn là lời để tự an ủi trái tim mình. Nàng tưởng tượng ra trong căn nhà nhỏ bé của hai mẹ con lúc nào cũng có hình bóng của Trương Sinh, ý nghĩ ấy là làm vơi đi nỗi cô đơn trống trải. Thế nhưng thật xót xa! Tấm lòng thủy chung son sắc, nỗi khắc khoải trông đợi ngày đêm của nàng lại trở thành nhát dao chí mạng đẩy nàng xuống bờ vực của sự nghi ngờ bởi chính người chồng nàng vẫn hoài nhớ mong. Câu nói của đứa con thơ đã khiến trào dâng sự ghen tuông trong lòng người chồng. Cậu Bé Đản thơ ngây, đêm đến được mẹ chỉ vào cái bóng của mình trên tường gọi là cha (đó là một cách dỗ dành con ngủ thật hồn nhiên nhưng sau đó lại là nguyên nhân gây ra cái tội thật vô tình). Nỗi hàm oan không được quyền nói, suy xét cho ra là bởi con người độc đoán, phàm phu: khi chàng ra lính trở về (nghe lời đứa con non dại) đã gây nên nỗi oan tày trời cho Vũ Nương. Bị chồng ghen tuông vô cớ, bao nhiêu lời giãi bày của vũ Nương và lời khuyên ngăn của láng giềng, bà con, cô bác, hắn vẫn không tin và đinh ninh là “vợ hư”, mối nghi ngờ càng ngày càng lún sâu không có cách gì gỡ ra được. Chàng mắng nhiếc vợ thật thậm tệ rồi “đánh đuổi nàng đi”.
Nàng đã bị chồng đẩy vào bi kịch bị ghép ngay vào tội không chung thủy, một trong những tội bị người đời nguyền rủa nhất của người phụ nữ phong kiến thời xưa. Nhân phẩm mà nàng coi trọng nhất, quý giá nhất và ra sức giữ gìn thì nay lại bị xúc phạm nặng nề, có thể khẳng định nỗi đau mà nàng phải gánh chịu là quá lớn, nàng đã bị đẩy vào bước đường cùng vào vực thẳm của cuộc đời, nàng phải chọn cái chết trong khi nàng vẫn khao khát được hưởng hạnh phúc gia đình. Vũ Nương không hề có lỗi lầm gì, nàng thuỷ chung, đức hạnh vẹn toàn nhưng sự đối xử của chồng làm cho nàng hoàn toàn thất vọng, không hiểu nỗi oan khuất từ đâu mà ra. Không có cách nào để giãi bày, niềm vui “nghi gia nghi thất” cũng không còn nữa, nàng phải tìm đến cái chết để minh oan. Mặc dù khát khao được sống được hàn gắn hạnh phúc gia đình luôn cháy bỏng nhưng nàng cũng quyết đổi mạng sống của mình để bảo vệ nhân phẩm – cái mà nàng quý hơn tất cả.
Yếu tố kỳ ảo cuối truyện đã làm hoàn thiện hơn vẻ đẹp của Vũ Nương. Ta hiểu thêm nàng là người nhân hậu, bao dung, ở dưới thủy cung được sống đầy đủ sung sướng, quan hệ giữa người với người tốt đẹp nhưng lúc nào nàng cũng đau đáu nhớ về gia đình, chồng con. Câu nói của nàng với Phan Lang khiến người đọc rưng rưng nước mắt “… ngựa hồ gấm gió bắc, chim Việt đậu cành nam, tôi tất phải tìm về có ngày”. Lẽ ra nàng có quyền căm thù nơi trần thế đã đẩy nàng vào cái chết oan khuất nhưng trái tim nàng không một chút oán hờn, vẫn nhân hậu vị tha, bao dung. Qua đây, người đọc cảm nhận được Vũ Nương là một người phụ nữ có phẩm chất đức hạnh. Thương thay cho số phận oan nghiệt của Vũ Nương, một người phụ nữ cả đời hi sinh để mong muốn được hạnh phúc như nàng lại phải chết một cách oan khuất, không được hưởng những gì mình đã hi sinh.
Như vậy, Chuyện người con gái Nam Xương đã vượt lên tư cách một bản lề của truyện cổ tích, trở thành một “Thiên cổ tùy bút” bởi sự tái tạo đầy tính nghệ thuật của Nguyễn Dữ. Qua việc xây dựng rất thành công tình huống truyện bất ngờ, kịch tính, hơn cả là sử dụng một cách tinh tế yếu tố hoang đường kì ảo, tác giả đã góp phần tăng thêm tính hiện thực và ý nghĩa nhân văn của tác phẩm, hoàn thiện hơn hình ảnh nhân vật Vũ Nương- một người phụ nữ điển hình trong văn học Việt Nam thế kỷ XVI. Đó là một phụ nữ có số phận éo le, bi đát nhưng vẫn sáng ngời với những vẻ đẹp của nhân cách.
Bích Hợp